logo_trong_suot_web
horeca_business_school

Từ 100 đến cả triệu USD, vì sao whisky lại đắt đỏ như vậy?

Điều gì khiến một chai whisky có giá đến 100, 1.000, 10.000, hay thậm chí cả triệu USD? Duy Thanh, một người am hiểu về whisky sẽ cho chúng ta câu trả lời bên dưới.

 

Whisky là loại rượu chưng cất, cấu thành từ ba thành phần tự nhiên: ngũ cốc, nước và men. Rượu whisky được sản xuất trên toàn cầu nhưng có lẽ giới mộ điệu rượu whisky ưa chuộng Scotch whisky (whisky được sản xuất tại Scotland) hơn hẳn phần còn loại của thế giới.

Có hương vị đặc trưng tạo nên giá trị thưởng thức cao, tuy nhiên, whisky không thuộc dòng thức uống phổ thông và đại trà, nguyên nhân chủ yếu đến từ mức giá khá cao của sản phẩm. Trên thị trường whisky thế giới, không khó để bắt gặp những chai whisky có giá 100, 1.000, 10.000 hay thậm chí là cả triệu USD. Điều gì khiến chúng có giá cao như vậy? Nguyên nhân chính đến từ độ khó và độ dài trong quá trình chưng cất.

Sản xuất whisky là quá trình phức tạp và lâu dài dưới sự tham gia của những chuyên gia rượu hàng đầu. Thành phẩm rượu whisky mà chúng ta thường thấy có màu hổ phách, xuất phát từ việc được ủ lâu năm trong các thùng gỗ sồi. Đây chính là nhân tố quan trọng nhất khiến whisky trở lên đắt đỏ. Ví dụ một chai Scotch whisky phải đảm bảo tối thiểu ủ 3 năm trong thùng gỗ sồi trước khi được đóng chai. Nhưng chúng ta rất dễ dàng nhìn thấy những chai whisky được ủ 10, 12, 15, 18, 21 năm, hiếm gặp hơn chút là các chai được ủ cao hơn như 25 hoặc 31 năm.

Nếu xét ở góc độ là đầu tư tài chính, chúng ta sẽ cảm nhận được sự đắt đỏ của quá trình ủ này.

+ Thùng ủ: Luật Scotch whisky cho phép ủ rượu trong nhiều loại thùng gỗ sồi khác nhau nhưng phổ biến hơn cả là thùng ex-bourbon (thùng này đã từng ủ rượu whisky ngô của Mỹ) và ex-sherry (thùng này đã từng ủ rượu vang sherry của Tây Ban Nha). Thể tích thùng bắt buộc không quá 700 lít, phổ biến dao động 200-250 lít. Thùng ex-bourbon có giá khoảng 150 USD nhưng thùng ex-sherry hiện có thể giá lên tới 10 lần thùng ex-bourbon. Thùng để ủ Scotch whisky thường ủ được 1-2 mẻ rượu, phụ thuộc vào thời gian ủ. Thường nếu thùng ủ trên 10 năm thì khả năng chỉ được ủ một lần, nếu ủ thời gian thấp khoảng hơn 3 năm thì có thể tái ủ thêm khoảng 2 lần nữa tuỳ thuộc vào quyết định của Nhà sản xuất rượu.

+ Kho lưu trữ: Một kho ủ rượu với nhiều thùng rượu cần được lưu trữ trong thời gian ngắn nhất là 3 năm và phổ biến là trên 10 năm cho đến 20 hoặc 30 năm sẽ đòi hỏi chi phí thuê và nhân lực khổng lồ. Thùng rượu sẽ được luân phiên thay đổi vị trí chứ ít khi được nằm tại chỗ suốt thời gian ủ. Mà trung bình, một thùng rượu 225 lít có chiều cao 95 cm, đường kính thân là 70 cm, đường kính nắp 50 cm.

Từ 100USD đến cả triệu đô la Mỹ, vì sao whisky lại đắt đỏ như vậy?

+ Tỷ lệ nước rượu bay hơi: Thuật ngữ chuyên ngành gọi đó là angel’s share (phần dành tặng cho các Thiên thần). Tỷ lệ bay hơi phụ thuộc vào loại thùng gỗ sồi, điều kiện lưu trữ nhưng thông thường là khoảng 2% mỗi năm. Ví dụ thùng 225 lít, sau 10 năm sẽ còn lại khoảng 187 lít rượu, sau 20 năm sẽ chỉ còn khoảng 153 lít rượu.

+ Khía cạnh đầu tư tài chính: Whisky là một sản phẩm thương mại, nên chúng ta cần xét trên khía cạnh đầu tư tài chính. Công thức được sử dụng ở đây là FV = PVx(1+i)n, trong đó:

  • PV là giá trị dòng tiền hiện tại
  • i là lãi suất chiết khấu (nếu không đầu tư lĩnh vực nào đó thì lấy lãi suất ngân hàng làm căn cứ)
  • n là số năm ủ rượu

Một lít rượu nguyên chất có giá trung bình 15.5 bảng Anh ủ thùng 225 lít sẽ cần ngân sách 3487.5 bảng Anh tương đương 107.066.250 VND (tỷ giá 1 bảng anh = 30,700 VND). Nếu đứng trên khía cạnh đầu tư từ Việt Nam qua Anh, nên chúng ta sẽ xem xét i tương đương lãi suất gửi ngân hàng VND tại Việt Nam là 7%/ năm. Giả sử thời gian ủ rượu là 21 năm.

FV= 107.066.250 x (1+ 7%)21 = 443.314.486 VND. Tỷ lệ bay hơi 2% sau 21 năm sẽ còn lại khoảng 150 lít rượu. Nếu để nguyên chất sẽ có giá 2.951.263 VND/ lít. Nồng độ rượu sau khi ủ sẽ dao động từ 58-66% cồn. Nếu hạ nồng độ về 40% với nước sẽ có giá dao động từ 1,8 đến 2 triệu cho 1 lít rượu. Đó là chưa tính các thể loại chi phí vận hành khác và thuế trước khi tới tay người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, không thể không tính đến giá trị pha chế từ các Master Blender, để tạo nên những sản phẩm Blended với nhiều tầng hương phong phú khơi gợi mọi giác quan. Sở hữu khứu giác và vị giác nhạy cảm nổi trội so với người thường, Master Blender được xem như linh hồn đằng sau Blended, mà trong lịch sử 200 năm của Johnnie Walker, chỉ có duy nhất 6 người được xem là Master Blender, và người đầu tiên chính là nhà sáng lập thương hiệu.

Cuối cùng, mức giá cao ngất ngưởng của whisky đôi khi còn đến từ thiết kế và chất liệu chai độc đáo, được tạo hình dưới bàn tay những nhà thiết kế tài năng nhất, trên nền chất liệu pha lê có độ tinh khiết cao nhất, và đôi khi còn được đính rất nhiều kim cương hay đá quý.

Nguồn: Đỗ Duy Thanh
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Yêu Rượu - Tạp chí Vang & Whisky @Copyright 2021