Điều đầu tiên, bạn hãy nhớ rằng bất kể loại rượu vang đỏ, vang trắng hay vang sủi đều cần được duy trì ở một mức nhiệt độ nhất định để có hương vị hoàn hảo nhất. Ngoài ra, đối với mỗi loại rượu vang, bạn nhất định cần có một loại ly phù hợp để sử dụng. Và cuối cùng, đừng quên chiếc mở vang!
Bước 1: Làm lạnh rượu vang.
Đối với rượu vang trắng, điều đầu tiên bạn cần lưu ý là duy trì nhiệt độ rượu ở mức lý tưởng 7-14°C (44-57°F).
Với những dòng rượu vang trắng có hương vị nhẹ nhàng, mang nhiều hương vị như dòng rượu vang vùng Chablis và rượu vang trắng từ nho Grenache thì nên duy trì mức nhiệt độ thấp hơn 10°C (50°F). Đối với rượu vang trắng được nuôi ủ trong những thùng gỗ sồi (như rượu vang trắng vùng Bourgogne) thì cần duy trì mức nhiệt độ trong khoảng từ 10-14°C (50-57°F).
Thông thường, duy trì nhiệt độ cho chai rượu vang tốt nhất với tủ rượu vang chuyên dụng. Tuy nhiên trong trường hợp bạn không có tủ rượu thì bạn có thể làm lạnh bằng tủ lạnh (cần chú ý tránh làm rượu quá lạnh) hoặc ngâm trong xô đá vài giờ trước khi sử dụng.
Bước 2: Chọn ly rượu vang phù hợp
Loại ly dùng để thưởng thức rượu vang trắng thường được thiết kế cao, có hình dạng chữ U. Phần thân ly (bầu ly) khá dài, thon thẳng và hẹp hơn so với loại ly uống rượu vang đỏ. Điều này giúp cho ly rượu vang trắng giữ được hương thơm quyến rũ mà vẫn duy trì được độ lạnh.
Ngoài ra, bạn còn có thể lựa chọn ly thưởng thức rượu vang trắng dựa theo loại nho mà chai vang trắng đó được làm từ. Chẳng hạn như đối với các dòng rượu vang trắng có hương vị nhẹ (light-bodied) như Moscato, Soave sẽ rất phù hợp với loại ly thân cao và mỏng. Còn đối với loại rượu vang trắng vị đậm (full-bodied) như Viognier thì nên được dùng với loại ly có thân thấp và tròn hơn.
Bước 3: Mở rượu vang
Bước này sẽ trở nên rất dễ dàng nếu bạn đang thưởng thức chai vang sử dụng nút nắp xoáy (quy cách đóng gói thông thường đối với nhiều dòng rượu vang Tân Thế Giới). Tuy nhiên, còn đối với những loại rượu vang dùng nút bần thì bạn cần thực hiện theo các bước sau:
Đầu tiên là việc cắt giấy nhôm bọc bên ngoài nút chai. Tại miệng chai bạn sẽ thấy có 2 khấc để bạn đặt điểm tựa và để cắt. Tuy nhiên, chúng tôi khuyến nghị bạn cắt ở khấc dưới (khấc thứ 2). Điều này giúp cho chai rượu không bị giữ lại những giọt rượu còn xót lại sau khi rót ra.
Tiếp theo tới thao tác tháo nút bần, bạn nên đặt đầu tiếp xúc của mở rượu vào vị trí chính giữa của nút bần với góc nghiêng (khoảng 30-45 độ). Điều này sẽ giúp cho bạn không bị khoan chéo ra miệng cổ chai khi vặn mở rượu. Ngoài ra, khi kéo nút ra khỏi chai bạn cũng cần chú ý về tình trạng của nút bần và sử dụng lực vừa phải để không làm gãy nút bần hay rơi bụi, cặn vào rượu vang.
Cuối cùng, sau khi mở rượu xong, bạn nên đậy lại nắp chai sớm nhất có thể (để tránh oxi tiếp xúc với rượu quá lâu làm hỏng hương vị) và lưu trữ rượu trong tủ rượu chuyên dụng hoặc tủ lạnh để rượu vang không bị hỏng.
Xem thêm: Lưu ý khi bảo quản rượu vang đã uống dở
Bước 4: Thưởng thức rượu vang
Sau khi đã hoàn thiện xong những bước hướng dẫn ở phía trên, bạn sẽ cảm nhận thấy sự khác biệt hoàn hảo trong hương vị của chai vang trắng mà bạn đang thưởng thức.
Ngoài ra, trong trường hợp bữa tiệc bạn thưởng thức bao gồm nhiều loại rượu vang khác nhau. Hãy nhớ quy tắc thưởng thức rượu như sau:
Thưởng thức rượu vang trắng đầu tiên, sau đó mới đến rượu vang đỏ và cuối cùng là rượu vang ngọt. Nếu có rượu Champagne hay Sparkling làm khai vị, hãy để rượu vang trắng ở vị trí thứ hai.
Thưởng thức rượu vang trắng có hương vị nhẹ nhàng (light-bodied như Pinit Grigio hay Moscato d’Asti) trước rồi mới đến rượu vang trắng có hương vị đậm (full-bodied như Chardonnay và Vigonier). Việc lựa chọn thứ tự cho rượu có vị đậm hay nhạt cũng được áp dụng cho cả rượu vang đỏ và cả rượu vang ngọt.
Gợi ý món ăn kết hợp thưởng thức với rượu vang trắng
Thông thường, khi kết hợp món ăn và rượu vang bạn nên lựa chọn loại rượu có hương vị hài hoà với hương vị của món ăn đó. Hương vị của loại rượu đi kèm không có vị đậm hơn khiến lấn át hương vị của thức ăn. Về cơ bản hãy áp dụng theo hướng dẫn sau:
- VỊ CHUA (thức ăn) cần VỊ CHUA (rượu)
- VỊ CAY (thức ăn) cần VỊ NGỌT (rượu)
- VỊ NGỌT (thức ăn) với VỊ NGỌT
- VỊ MẶN (thức ăn) cần VỊ CHUA (rượu) làm mềm
- VỊ BÉO NGẬY (thức ăn) cần VỊ CHUA (rượu) làm vị thanh hơn
- CHẤT ĐẠM & BÉO (thức ăn) ưa VỊ CHÁT
- TRÁNH: chất béo của cá (cá hồi, basa), hải sản tươi sống với VỊ CHÁT của rượu
Nguồn: winecellar.vn