Trong thế giới rượu Scotch Malt Whisky thì có đến hàng tá các nhãn hiệu – nhà chưng cất có cái tên bắt đầu bằng tiền tố ‘Glen’ như GlenDronach, Glenlivet, Glenfiddich, Glenmoragie, Glen Moray, Glen Grant, Glen Keith… nhưng không phải người sành rượu nào cũng biết được rõ ý nghĩa của chữ Glen này.
Nguyên gốc trong tiếng Gael Scots (Gaelic, một ngôn ngữ Celt xa xưa của người bản địa Scotland) thì ‘Glen’ là một từ có nghĩa chứ không phải tên riêng và nó được hiểu là ‘thung lũng’. Những thung lũng này được hình thành chủ yếu bởi dòng chảy của các con sông bắt nguồi từ cao nguyên (Highland) Scotland, với ưu điểm rất gần nguồn nước nó đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quá trình hình thành và phát triển cộng đồng dân cư địa phương. Theo đó, thành tố ‘Glen’ cũng dần gắn chặt vào các tên nhiều con sông để trở thành địa danh, nơi đặt các lò chưng cất. Và cũng trong Gaelic, tên gọi ban đầu của Whisky là ‘Uisege beatha’ có nghĩa là ‘Nước của sự sống’. Bởi vậy yếu tố nước từ thiên nhiên, các con sông như Fiddich, Livet, Deveron và tất cả các sông suối khác của Scotland đã dễ dàng trở thành nguồn cảm hứng chính cho các thương hiệu Whisky nơi đây.
Giống như trường hợp ‘Glen’, trong ngôn ngữ Scotland cổ ‘Loch’ có nghĩa là ‘hồ nước’ . Hầu hết mọi người đều nghe tới huyền thoại quái vật Loch Ness nhưng chỉ một số ít người yêu Single Malt Whisky mới biết đến nhà chưng cất Loch Lomond bên cạnh hồ Lomond vùng Highland. Và tương tự, Loch Ewe là tên nhà chưng cất nhỏ nhất ở Scotland nằm bên hồ Ewe xinh đẹp.
The Glenlivet là một trong những nhà chưng cất lớn hàng đầu Scotland và là thương hiệu Single Malt Whisky phổ biến nhất nhì trên Thế Giới hiện nay. Gần như ở nơi đâu có bán rượu Single Malt thì ở đó chúng ta có thể tìm thấy Glenlivet. Và đôi khi chúng ta còn bắt gặp một số nhãn hiệu khác có thêm hậu tố ‘-Glenlivet’ vào tên riêng của họ. Vậy điều này là thế nào?
Câu chuyện về hậu tố ‘-Glenlivet’ bắt nguồn từ Thế Kỷ 19, khi ngành công nghiệp Scotch Whisky Scotch hiện đại đang hình thành. Sự ra đời của Luật Thuế Rượu mới vào năm 1823 đã chấm dứt thời kỳ buôn lậu rượu. Năm 1824, một trong những giấy phép chưng cất và buôn bán rượu hợp pháp đầu tiên được cấp cho George Smith ở lò rượu Upper Drumin, người này đã lấy giấy phép mở nhà chưng cất mới với tên gọi Glenlivet cách đó không xa.
Tuy nhiên, điều rắc rối là trong suốt thời kỳ rượu lậu ‘Glenlivet’ đã trở thành cách gọi tắt chung cho tất cả Whisky đến từ cả vùng Speyside. Như đã lý giải ở mục (1), điều này dễ hiểu vì ‘Glenlivet’ đơn giản là danh từ chỉ địa danh Thung lũng sông Livet nơi có vô số các lò rượu nhỏ vào thời ấy. Nhiều nhà chưng cất mới, một số tận vùng duyên hải Moray cũng bắt đầu tự gọi mình là ‘Glenlivet’, mặc dù không ở gần địa điểm này. Gia đình Smith thì lại cho rằng tên tuổi của mình bị lợi dụng nên đã đưa ra một thông cáo báo chí vào năm 1868 cảnh báo rằng họ là nhà chưng cất đầu tiên và duy nhất được cấp phép dưới tên ‘Glenlivet’ và không ai được bán Whisky dưới tên gọi đó. Hai năm sau, Glenlivet đăng ký bảo hộ thương hiệu nhưng không thay đổi được tình hình. Trên thực tế, thậm chí nhiều nhà sản xuất rượu tự gọi mình là ‘Glenlivet’ hơn như Glenfarclas Glenlivet hay là Cragganmore Glenlivet… Điều này một phần là do lỗi của luật sư của nhà Smith khi đăng ký lại nhãn hiệu vào năm 1875 đã chỉ thêm hình ảnh thiết kế mà bỏ quên phần ngôn/từ ngữ ‘Glenlivet’.
Năm 1882, Smith và người đại diện Andrew Usher tập hợp bằng chứng và khởi kiện từng trường hợp riêng lẻ cụ thể mà họ cho rằng đã vi phạm thương hiệu Glenlivet. Các đối thủ của họ đã phản ứng dữ dội và tuyên bố rằng ‘Glenlivet’ đã trở thành một thuật ngữ chung từ thời kỳ bất hợp pháp và bây giờ có thể được sử dụng theo cách tương tự như ‘Islay’, để định nghĩa một phong cách Whisky. Tới tháng 5/ 1884, tất cả các bên cùng đạt được một thoả thuận chung và ký kết chứng thư khẳng định sự tồn tại của thương hiệu Glenlivet và chỉ có Whisky của nhà Smith mới có thể tự gọi mình là ‘The Glenlivet’. Đổi lại họ đồng ý giảm nhẹ các cáo buộc đối với các nhà chưng cất khác và không cấm 10 nhà gồm: Glenlossie, Macallan, Aberlour, Benrinnes, Cragganmore, Linkwood, Glenrothes, Glen Grant, Mortlach và Glenfarclas sử dụng thuật ngữ ‘Glenlivet’ với điều kiện chỉ được dùng như một hậu tố, kết hợp với tên nhà chưng cất chính. Điều này đã mở ra thông lệ chung cho phần hậu tố ‘Glenlivet’ được ghép với tên chính bằng một dấu gạch nối. Gần 1 Thế Kỷ sau, thập niên 1980 đã có tổng cộng 28 nhà chưng cất đăng ký là ‘X-Glenlivet’ hoặc sử dụng thuật ngữ này trên nhãn hiệu của họ.
Mãi tới gần đây, một số nhà như Macallan mới bỏ đi phần hậu tố ‘-Glenlivet’. Còn lại phần lớn các nhãn hiệu hiện đã chết đi theo các nhà chưng cất đã đóng cửa. Một số vẫn giữ lại hậu tố này như Tamnavulin, Glen Moray, Speyburn và Tomintoul trong tên đăng ký thương mại của họ. Hậu tố ‘-Glenlivet’ hiện nay hầu như chỉ được sử dụng trên nhãn của một số nhà đóng chai độc lập. Điển hình là Wm Cadenhead, họ sử dụng kiểu đề tên này như một cách tôn trọng lịch sử.
Connoisseur, nhà nghiên cứu Whisky nổi tiếng Dave Room viết rằng: “Tôi sẽ coi các nhãn ‘-Glenlivet’ là một cách để phân biệt giữa các chai đóng chính thức và độc lập, cũng như một lời nhắc nhở đẹp đẽ từ xa xưa, và bằng chứng là, ngay cả khi ngành công nghiệp Scotch Whisky bị lôi kéo vào các cuộc tranh chấp gia tộc cay đắng thì nó vẫn có thể tìm ra cách để thoả hiệp.”.
Theo: Nguyễn Minh Khánh /Menback
Yêu Rượu - Tạp chí Vang & Whisky @Copyright 2021