logo_trong_suot_web
horeca_business_school

Khám phá rượu vang #24: Rượu vang Việt Nam

Có thể nói người tiên phong trong lĩnh vực mới mẻ này là anh Nguyễn Văn Việt, tổng giám đốc công ty Ladofoods (vang Đà Lạt).

Đó là năm 1999. Được mời tham gia một Hội chợ quốc tế rượu vang ở Italia, anh Việt đã nảy ra một ý nghĩ táo bạo: “Tại sao mình không thể làm rượu vang ở Việt Nam?”.

Trở về nước, anh Việt bắt tay vào làm rượu vang với những trang thiết bị còn quá nghèo nàn của nhà máy vang Đà Lạt. Cũng cần nói thêm là từ sau năm 1975 cho đến năm 1999, nhà máy vang Đà Lạt chỉ sản xuất rượu từ nước hoa quả lên men.

Mẻ rượu vang đầu tiên, làm từ hỗn hợp nước nho và dâu tây, đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của người tiêu dùng trong nước. Với sản lượng 50.000 lít rượu vang trong những năm đầu, hiện nay nhà máy vang Đà Lạt đã sản xuất ra khoảng 1,5 triệu lít vang (2004).

Rượu vang Đà Lạt được chia làm 3 loại: vang trắng, vang đỏ và vang sủi. Theo đánh giá của người tiêu dùng trong nước, vang sủi Đà Lạt được coi là một trong những vang ngon nhất Việt Nam.

Vang đỏ Đà Lạt lại được chia thành 3 loại: 1 loại dành cho người tiêu dùng trong nước, 1 loại dành cho xuất khẩu (Export) và 1 loại đặc biệt (Superior) được nuôi 24 tháng trong bồn inox. Sắp đến, nhà máy vang Đà Lạt sẽ nhập khẩu thùng gỗ sồi để nuôi rượu lâu dài.

Nho để làm vang Đà Lạt là giống Cardinal, được trồng nhiều ở các tỉnh miền Trung (Ninh Thuận, Bình Thuận…). Sau khi thu hoạch, nho sẽ được chuyển lên Đà Lạt để ép, ủ men và làm rượu.

Công ty Ladofoods, ngoài vang Đà Lạt, còn sản xuất rượu ngọt từ hoa quả (Liqueur) và hạt điều. Công ty có một đội ngũ bán buôn, bán lẻ tuy chưa thật sự lành nghề, nhưng hiện diện ở hầu hết các tỉnh, thành trong phạm vi cả nước. Hiện nay, công ty đang trồng thí điểm 5ha các giống nho quốc tế như Cabernet Sauvignon, Merlot, Syrah (đỏ), Chardonnay và Sauvignon Blanc (trắng). Mục tiêu của Ladofoods trong những năm đến là tăng sản lượng vang lên 5 triệu lít/năm và xuất khẩu sang một số nước khu vực như Nhật Bản, Nam Triều Tiên, Malaysia (hiện đang nhập khoảng 100.000 chai vang Đà Lạt/năm). Đặc biệt, có một Việt kiều ở Thụy Sĩ nhập mỗi năm khoảng vài ngàn chai nhằm cung cấp cho các nhà hàng Châu Á tại nước này.

Trăn trở lớn nhất của anh Nguyễn Văn Việt là làm sao đưa được thương hiệu vang Đà Lạt lên máy bay Vietnam Airlines trên những chặng bay quốc tế. Quả vậy, có lẽ Vietnam Airlines là hãng hàng không duy nhất trên thế giới không đưa thương hiệu quốc gia vào danh sách rượu trên máy bay. Ví dụ thì rất nhiều, tôi chỉ xin nêu ra ở đây các trường hợp điển hình nhất: Air France sử dụng vang Pháp và có ông Olivier Poussier, Chuyên gia rượu giỏi nhất thế giới 2000 làm cố vấn về rượu, Lufthansa sử dụng vang Đức, Malev sử dụng vang Hung, United Airlines sử dụng vang Mỹ và có ông Frost Doug là cố vấn về rượu, British Airways sử dụng vang sủi Nyetimber, vang trắng Chapel Hils, vang đỏ Chapel Down đều sản xuất tại Anh…

Sau công ty Ladofoods và vang Đà Lạt, phải kể đến những cố gắng của anh Nguyễn Văn, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty liên doanh Việt - Đức Van - Gres có trụ sở ở thị xã Bảo Lộc. Van - Gres đã ký hợp đồng thuê trong 50 năm 52ha đất ở Bình Thuận năm 2004 để trồng 23 giống nho Đức và quốc tế như Muler - Thurgau, Riesling, Sauvignon Blanc, Chardonnay, Spatburgunder, Cabernet Sauvignon, Merlot… Trong khi chờ đợi mẻ nho đầu tiên (phải mất từ 2 - 3 năm sau khi trồng), Van - Gres đã xây dựng một nhà máy rượu hiện đại với toàn bộ trang thiết bị đưa từ Đức sang. Đầu năm 2005, Van - Gres đã nhập và đóng chai ở Việt Nam 2 loại rượu chất lượng tương đối cao: Riesling nhập từ Đức và Merlot nhập từ Chile. Khi chính thức sử dụng nho thu hoạch trên các ruộng nho của mình, Van - Gres sẽ đưa một phần rượu vào nuôi trong thùng gổ sồi dùng cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Trong tương lai, Van - Gres sẽ là một trong những công ty có tiềm năng lớn ở Việt Nam: nhà máy sản xuất rượu vang với trang thiết bị hiện đại, chuyên gia làm rượu có chuyên môn cao, các giống nho làm rượu đạt tiêu chuẩn quốc tế, không bị lệ thuộc hoặc lệ thuộc rất ít vào nguồn nho thu mua từ nông dân bên ngoài…

Một số công ty khác như Thanh Bình cũng hợp tác với nhà làm rượu nổi tiếng Jean - Pierre Moueix của vùng Bordeaux để trồng thí điểm 1,5ha ở Bảo Lộc, công ty Agripark với 1,5ha ở Đà Lạt, nhưng với vốn đầu tư và quy mô nhỏ hơn nhiều so với Ladofoods và Van - Gres.

Nguồn: Tô Việt / Khám phá rượu vang

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Yêu Rượu - Tạp chí Vang & Whisky @Copyright 2021