Theo justfunfacts.com, trong tiếng Pháp, từ chỉ đặc trưng của vườn nho là terroir, được hiểu là “địa thế”, tức các tính chất địa lý và địa chất đặc trưng cho từng đồn điền. Chúng sẽ “hòa quyện” vào vị vang được chế biến ra.
Đất trồng nho không phì nhiêu, màu mỡ mà thường khô cằn, nhiều đá cát và ở địa hình dốc để rút nước tốt hơn. Người xưa thường nói “đất càng xấu, rượu càng ngon”. Theo Hội Địa lý quốc gia Mỹ, đây là một điều hết sức thú vị.
Những người làm rượu vang hay truyền tai nhau rằng: “Vang được sản xuất ngay tại vườn nho”, tức vang ngon chỉ có thể được chế biến từ nho tốt, chất lượng vang tùy thuộc vào quá trình trồng nho hơn là quá trình chế biến ở hầm rượu.
Từ truyền thống làm rượu vang của Pháp, người nói tiếng Anh du nhập thêm từ mới: “grape plantation” (trồng nho). Khoảng năm 1300, “wingeard” - một từ tiếng Anh cổ được thay thế bằng “vineyard” - nghĩa là “vườn nho”.
Một thuyết lâu đời trong Cựu Ước viết rằng Noah chính là người đầu tiên trồng nho và tạo ra rượu vang.
Bằng chứng lâu đời nhất về canh tác nho và làm rượu vang được tìm thấy khoảng 8.000 năm trước.
Công nghệ chế biến vang phát triển từ thời Ai Cập cổ đại. Nhưng mãi đến thời Đế chế La Mã thì kỹ thuật canh tác nho mới phổ biến khắp Châu Âu.
Thời Trung cổ, Giáo hội là nơi tiêu thụ chủ yếu của rượu vang, vì vang cần cho việc cử hành Thánh lễ. Trong giai đoạn bất ổn kéo dài của thời Trung cổ, nhiều tu viện duy trì và phát triển hoạt động trồng nho ổn định với các nguồn tài nguyên lớn, tính an ninh cao. Họ cũng quan tâm cải thiện chất lượng nho.
Đến giữa thế kỷ XVI, những vườn nho lớn xuất hiện ở Peru, Chile và Argentina. Đầu thế kỷ XVII, Hà Lan bắt đầu trồng nho ở vùng Nam Phi ngày nay. Đến năm 1788, nho được trồng lần đầu tiên ở Úc.
Vào những năm 1600, cư dân ở Bắc Mỹ nỗ lực làm rượu vang từ nho bản địa. Sau đó, họ thất bại trong việc trồng nhiều giống nho Châu Âu. Theo Hội Địa lý Quốc gia Mỹ, có một sự thật lịch sử thú vị: Thomas Jefferson (tổng thống thứ 3 của Mỹ) đã thành lập một nhà máy rượu vang mang tên Vitis Vinifera tại Virgina vào cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX. Nhưng ông cũng thất bại vì nho bị nấm mốc và côn trùng phá hoại.
Có lẽ, vườn nho đầu tiên được trồng thành công tại Bắc Mỹ là của các nhà truyền giáo dòng Phanxico ở California vào thế kỷ XVIII.
Đạt-lai Lạt-ma (nhà lãnh đạo tinh thần Phật giáo Tây Tạng) sở hữu vườn nho (tại Thụy Sĩ) nhỏ nhất thế giới chỉ với... 3 cây nho trên khoảnh đất 1,67 m2.
Vườn nho cao nhất thế giới (ở độ cao 3.563 m) nằm ở thành phố Lhasa, Tây Tạng (Trung Quốc), hình thành vào năm 2013 dưới sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. Vườn nho này đã giúp cung cấp việc làm cho nhiều dân làng ở vùng Tây Tạng.
Nguồn: Thanh Niên
Yêu Rượu - Tạp chí Vang & Whisky @Copyright 2021